Khi bị đau mắt đỏ nên Khám bác sĩ hay tự điều trị?
“ Con đau mắt đỏ, cả nhà bị lây” – đây là lo lắng chung của nhiều phụ huynh đang có con em học sinh sau thời gian nghỉ hè trở lại trường.
Chị K.Phượng, phường 5-Tp Tuy Hoà, phụ huynh học sinh trường Âu Cơ cho biết, sáng mai ngủ dậy là thấy một bên mắt bị đỏ, đến chiều thì thấy lây và đỏ cả hai mắt. Sau đó cả nhà đều bị đau mắt đỏ. Khám bác sĩ xác định chị bị viêm kết mạc và cho thuốc về nhà điều trị. Trước tình trạng trẻ bị đau mắt đỏ gia tăng như hiện nay, có phụ huynh cho rằng, đau mắt đỏ tự hết, cho trẻ nghỉ học vài ngày là ổn. Song cung có nhiều phụ huynh lo lắng tìm hiểu nhiều thông tin về phòng bệnh đau mắt đỏ.
Khám bác sĩ hay tự điều trị?
Bs. Nguyễn Băng Sâm, Bệnh viện Mắt Phú Yên cho biết: “Bệnh đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc, nhặm mắt) là bệnh nhiễm trùng tại niêm mạc mắt. Phần lớn bệnh đau mắt đỏ không có biến chứng, dễ kiểm soát nên không cần lo lắng khi lây bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ có thế cấp tính hoặc mãn tính. Bệnh do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do 3 nhóm chính là: Vi khuẩn, Virus và Dị ứng. Tùy nguyên nhân bệnh sẽ có triệu chứng nặng nhẹ và phương thức xử lý phù hợp khác nhau. Nếu đau mắt đỏ do dị ứng thì phụ thuộc cơ địa mỗi người. Tác nhân dị ứng có nhiều như : thuốc, thức ăn, phấn hoa, lông súc vật... Bệnh tự khỏi nếu cách ly khỏi nguồn dị ứng. Nếu đau mắt đỏ do vi khuẩn thì thường nặng- hai mắt-dễ biến chứng nhưng lại dễ điều trị, đáp ứng tốt với các kháng sinh thông thường. Nếu đau mắt đỏ do virus thì triệu chứng nhẹ hơn nhưng khó chịu hơn, ngứa và cộm nhiều hơn, bệnh kéo dài và dễ lây lan thành dịch lớn.
Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ ở Tp. Hồ Chí Minh đã được phân lập bệnh phẩm xác định là do Adenovirus và Enterovirus. Theo đó, cách phòng bệnh phù hợp, đơn giản và hiệu quả nhất là Không dụi mắt, rửa tay trước và sau khi sờ chạm vào mắt tránh phát tán vi khuẩn virus gây bệnh lên các vật trung gian như tay nắm cửa, quần áo, bắt tay ... thì bệnh sẽ được kiểm soát.
Thực tế cho thấy, khi bị đau mắt đỏ, chỉ cần ở nhà, tuân thủ vệ sinh sạch sẽ, ít ngày là có thể khỏi bệnh. Việc tập trung đến bệnh viên cũng sẽ tạo ra các nguy cơ lây bệnh. Theo khuyến cáo của ngành y tế, người bị đau mắt đỏ có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất rửa mắt.
Các loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh có nhiều loại, đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ như ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, neomycin, tobramycin, tobrex.
Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo cần được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...) hoặc phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, người dân thực hiện các cách sau: Thực hiện tốt các khuyến cáo phòng ngừa lây lan và các hướng dẫn chăm sóc tại nhà với các trường hợp nhẹ và dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện; phân biệt với các bệnh lý về mắt khác.
Luôn vệ sinh tay bằng xà phòng, nhỏ nước muối sinh lý để rửa mắt, mang kính khi đi ra ngoài để hạn chế gió và bụi bẩn, không tiếp xúc quá gần hay sử dụng chung vật dụng cá nhân với người đang mắc bệnh, hạn chế tới nơi đông người.
Người sau khi khỏi bệnh cần sát khuẩn kính mắt, giặt sạch chăn gối, khăn mặt để tránh tái nhiễm. Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường ở mắt, người dân nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời, phòng tránh biến chứng. Người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Nhạn Nguyễn