Hội nghị giao ban trực tuyến công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng
Số ca mắc bệnh tay chân miệng đang có khuynh hướng gia tăng ở khu vực miền Nam cũng như TP. Hồ Chí Minh. Cùng với việc phát hiện vi-rút Enterovirus 71 là tác nhân gây bệnh, các chuyên gia cảnh báo bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến phức tạp. Ngành Y tế đã triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong
Ngày 06/7/2023, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác thu dung, điều trị bệnh Tay chân miệng (TCM) với các tỉnh/thành phố nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh TCM với 31 tỉnh/thành phố nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh TCM và phối hợp thực hiện các giải pháp kiểm soát bệnh tại khu vực phía Nam.
(Điểm cầu tại Sở Y tế Phú Yên)
Chủ trì hội nghị là TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh. Có hơn 300 điểm cầu kết nối trực tuyến từ các Sở Y tế, các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa nhi của các tỉnh/thành phố.
Tại hội nghị, Bệnh viện Nhi Đồng 1 báo cáo tóm tắt về công tác thu dung, phân tuyến điều trị, kế hoạch ứng phó dịch bệnh TCM của các tỉnh/thành phố khu vực phía Nam…Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng báo cáo bệnh án về một trường hợp TCM nặng (độ IV) đã được cấp cứu thành công. Tuy nhiên, nhận định chẩn đoán bệnh còn trễ, cần nhận biết các dấu hiệu sớm hơn, đặc biệt là các dấu hiệu chuyển nặng.
Hội nghị cũng đề cập một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng tử vong ở trẻ mắc tay chân miệng; nhập viện trễ, không nhận ra dấu hiệu nặng, chuyển độ, xử trí chưa phù hợp, chuyển viện không an toàn; các dấu hiệu cảnh báo và thời điểm vàng cần cho trẻ nhập viện. Bên cạnh đó, cũng nhấn mạnh các biện pháp giảm tỷ lệ tử vong do tay chân miệng là: chẩn đoán sớm, tăng cường hội chẩn với các chuyên gia tay chân miệng, hội chẩn tuyến trên, điều trị đúng phác đồ, chuyển viện an toàn.
BBT