Phụ nữ mang thai nên làm xét nghiệm HIV khi nào?
Xét nghiệm HIV là phương pháp duy nhất để chẩn đoán xác định tình trạng nhiễm virus HIV của bệnh nhân, giúp cho bệnh nhân được tiếp cận dịch vụ điều trị, chăm sóc và dự phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng.
Đối với phụ nữ mang thai (PNMT), Bộ Y tế khuyến cáo chị em nên làm xét nghiệm HIV sớm để biết tình trạng nhiễm của bản thân và kịp thời tiếp cận các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Thời điểm tốt nhất nên làm xét nghiệm HIV: Xét nghiệm HIV lần thứ nhất càng sớm càng tốt (trong lần khám thai đầu tiên) và lần thứ hai khi có hành vi nguy cơ cao như; Có hành vi nguy cơ cao trong vòng 3 tháng trước khi xét nghiệm HIV lần thứ nhất và sau khi được xét nghiệm HIV lần thứ nhất. Để được làm xét nghiệm HIV, PNMT nên lưu ý: Khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, được bác sĩ tư vấn làm xét nghiệm HIV và khi đồng ý làm xét nghiệm HIV, kết quả sẽ được trả trực tiếp cho người được làm xét nghiệm.
Tư vấn và xử trí sau xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai: Trường hợp có kết quả âm tính, PNMT được trả lời kết quả trong ngày và tiếp tục theo dõi sức khoẻ, được bác sĩ tư vấn các chế độ ăn uống và khám thai định kỳ. Trường hợp mẫu máu có phản ứng với kháng thể HIV, PNMT được tư vấn và chờ kết quả khẳng định: Với trường hợp phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm HIV dương tính: Tư vấn về điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và chuyển gửi ngay đến cơ sở điều trị thuốc kháng virus HIV; Còn đối với trường hợp phụ nữ mang thai đang chuyển dạ, sinh con có kết quả xét nghiệm HIV có phản ứng được tư vấn điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc kháng HIV ngay cho cả mẹ và con và tiếp tục gửi mẫu máu làm xét nghiệm khẳng định: Nếu kết quả xét nghiệm HIV của người mẹ được xác định là âm tính thì dừng điều trị thuốc kháng virus HIV cho cả mẹ và con; Nếu kết quả xét nghiệm HIV của người mẹ có kết quả không xác định, tiếp tục điều trị thuốc kháng virus HIV cho mẹ và con cho đến khi có kết quả xác định; Nếu kết quả xét nghiệm HIV của người mẹ được xác định là dương tính: thì tiếp tục điều trị thuốc kháng virus HIV cho cả mẹ và thực hiện quy trình xét nghiệm khẳng định cho con. Trường hợp PNMT có hành vi nguy cơ cao có kết quả xét nghiệm HIV âm tính thì được tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và tiếp cận các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV…
THU HUYỀN