Dịch HIV có xu hướng giảm nhưng gia tăng nhiễm mới trong nhóm thanh thiếu niên trẻ và MSM
Mặc dù dịch HIV có xu hướng giảm nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới, nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trong khi đó, các can thiệp cho nhóm này rất khó khăn, vì quần thể này ẩn và khó tiếp cận…
Tại buổi họp báo do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức chiều ngày 9/11/2023, ThS Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng, Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong 9 tháng đầu năm, các chỉ tiêu ngành y tế đặt ra trong giám sát, điều trị, dự phòng cơ bản đều đạt trên 90%. Riêng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) đạt trên 100%.
Về tiến độ thực hiện 95-95-95, đến nay đã đạt được 88% số người biết tình trạng HIV của mình, 80% người tham gia điều trị ARV và 98,4% số người có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.
Phát biểu tại buổi họp báo, BS Eric Dziuban, Giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, nếu như trước đây HIV được coi là bản án tử hình, thì giờ đây đã trở thành một bệnh mạn tính có thể kiểm soát được, cho phép mọi người có được cuộc sống hạnh phúc, trọn vẹn khi tham gia điều trị an toàn và hiệu quả.
Các phương pháp dự phòng HIV cũng hiệu quả và an toàn. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong khu vực về nhân rộng quy mô hoạt động dự phòng. Báo cáo toàn cầu của UNAIDS 2023 nêu bật các thành công của Việt Nam trong việc mở rộng quy mô điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV, PrEP, tăng 59% vào năm 2022. Với tỷ lệ ức chế tải lượng virus toàn quốc ở mức 98%, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ cao nhất thế giới và đây thực sự là điều đáng tự hào.
Tuy nhiên, dịch HIV ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp. ThS Bùi Hoàng Đức cho biết, 9 tháng đầu năm 2023 nước ta vẫn phát hiện tới 10.219 trường hợp nhiễm HIV mới. Hơn 60% người nhiễm HIV được phát hiện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh. 49% nhiễm HIV mới là nam quan hệ tình dục đồng giới.
Đặc biệt, số ca nhiễm HIV ghi nhận tăng tại một số tỉnh ‘không trọng điểm’ như Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… Người nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa. Nhóm tuổi từ 16-29 tuổi chiếm gần 50% số nhiễm HIV được phát hiện năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023.
HIV cũng có xu hướng tăng trong nhóm chuyển giới nữ trong các năm gần đây. Số liệu năm 2022 ở Hà Nội cho thấy, tỷ lệ này là 5,8%. Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2004, có khoảng 6,8% ở nhóm chuyển giới nữ nhiễm HIV, tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.
Hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex, quan hệ tình dục tập thể… Khả năng tiếp cận triển khai can thiệp khó khăn với các nhóm đối tượng đích và nguồn lực cho công tác phòng chống HIV còn thiếu so với nhu cầu…
Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, cần tăng cường cam kết chính trị, đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, đảm bảo tài chính như phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS. Định hướng ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước các cấp, tập trung cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch; mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả; tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn viện trợ quốc tế và tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS...