Vì sao cần tiêm vắc xin sởi trước khi mang thai?
Sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sởi là tiêm vắc xin phòng ngừa trước khi mang thai 3 tháng để cơ thể tạo miễn dịch chủ động với virus sởi...
Biến chứng của bệnh sởi đối với phụ nữ mang thai
Theo các bác sĩ, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus sởi. Nếu mắc sởi khi mang thai, thai phụ sẽ có những biểu hiện như sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ và đau họng.
Tiếp đến là xuất hiện một số nốt có màu trắng trên bề mặt niêm mạc má, được gọi là dấu Koplik, đây là dấu hiệu quý nhất để bác sĩ chẩn đoán sớm bệnh sởi. Tuy vậy, dấu Koplik chỉ tồn tại khoảng từ 24 - 48 giờ thì biến mất.
Ở giai đoạn tiếp theo, ban sởi xuất hiện tuần tự từ đầu - mặt - cổ đến ngực - lưng - bụng, rồi tới các chi. Khi ban mọc hết toàn thân thì sốt giảm dần.
Đối với phụ nữ mang thai, sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như sảy thai hoặc chuyển dạ sinh non. Mắc sởi trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây dị dạng thai nhi. Trong khi đó, ở 3 tháng cuối của thai kỳ, bệnh sởi dễ gây mù lòa ở trẻ sơ sinh.
Nên tiêm vắc xin sởi trước khi mang thai bao lâu?
Phụ nữ mang thai sức đề kháng giảm nên khá nhạy cảm với bệnh và khi đó nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Do đó, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sởi là tiêm vắc xin phòng ngừa. Ngoài vắc xin sởi đơn thì vắc xin dạng phối hợp sởi - quai bị - rubella cũng là một lựa chọn tốt giúp tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa cả 3 bệnh nói trên.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh con nên tiêm vắc xin ngừa sởi trước khi mang thai 3 tháng, vừa giúp cơ thể có đủ thời gian sinh ra kháng thể phòng bệnh, vừa không ảnh hưởng đến thai nhi.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh con nên tiêm vắc xin ngừa sởi trước khi mang thai 3 tháng.
Nếu không kịp tiêm phòng trước mang thai, có tiêm phòng sởi trong thời kỳ mang thai được không?
Phụ nữ có thai không được tiêm vắc xin phòng ngừa sởi, bao gồm vắc xin sởi đơn và vắc xin dạng phối hợp sởi - quai bị - rubella. Bởi 2 loại vắc xin này đều là vắc xin sống giảm động lực - vắc xin có chứa vi sinh vật sống gây bệnh đã được làm yếu đi để không còn khả năng gây bệnh cho cơ thể nhưng vẫn tạo ra được phản ứng miễn dịch lâu dài. Tuy nhiên, vắc xin sống giảm động lực không an toàn cho phụ nữ mang thai.
Trường hợp sau khi tiêm vắc xin sởi mới phát hiện mang thai, cần thông báo ngay cho bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Phòng ngừa bệnh sởi khi mang thai
Nếu chưa được tiêm phòng, thai phụ nên:
• Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh.
• Hạn chế đến các địa điểm tập trung đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
• Ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin C tăng sức đề kháng.
• Giữ ấm.
• Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, sạch sẽ, thoáng mát.
Theo Sức khoẻ & Đời sống