Bệnh Lao
Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 - 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.
NGƯỜI NGHI LAO PHỔI
Người nghi lao phổi khi có các triệu chứng sau
- Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất.
Ngoài ra có thể:
- Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi.
- Sốt nhẹ về chiều.
- Ra mồ hôi “trộm” ban đêm.
- Đau ngực, đôi khi khó thở.
Nhóm nguy cơ cao cần chú ý
- Người nhiễm HIV.
- Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt trẻ em.
- Người mắc các bệnh mạn tính: loét dạ dày-tá tràng, đái tháo đường, suy thận mạn,...
- Người nghiện ma tuý, rượu, thuốc lá, thuốc lào.
- Người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid, hoá chất điều trị ung thư,…
Các trường hợp có bất thường trên X-quang phổi đều cần xem xét phát hiện lao phổi.
Dấu hiệu:
-Toàn thân: sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân.
- Cơ năng: ho, khạc đờm, ho ra máu, đau ngực, khó thở.
PHÒNG NGỪA BỆNH LAO PHỔI
- Tốt nhất là người nghi lao được khám xét nghiệm phát hiện sớm.
- Khi mắc bệnh lao phải điều trị theo 4 nguyên tắc mà bác sĩ, cán bộ y tế hướng dẫn (Phối hợp các thuốc chống lao; Phải dùng thuốc đúng liều; Phải dùng thuốc đều đặn; Phải dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì).
Tiêm phòng BCG cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tháng tuổi.
- Giữ vệ sinh môi trường: Ở thông thoáng, khạc đờm đúng cách, thường xuyên phơi nắng chiếu, chăn, màn...
- Khi có người bệnh lao phổi AFB (+): Tránh tiếp xúc với trẻ dưới 5 tuổi và người có HIV. Ở phòng riêng, thông thoáng khí. Ho khạc, gom đờm đúng cách.
- Người bệnh có dấu hiệu nghi lao, đặc biệt là người là nguồn lây, phải được đeo khẩu trang thường xuyên tại những nơi có đông người.
Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Chữa khỏi bệnh lao là cách phòng bệnh tốt nhất.