Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời của trẻ
Dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời được ví là 1000 ngày vàng, được tính bằng thời gian mang thai của bạn cộng với 2 năm đầu tiên của trẻ.
Đầu tư chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này chính là sự đầu tư tốt nhất cho sự phát triển cả đời của trẻ. Đây được xem là cơ hội để chăm sóc dinh dưỡng, qua đó thiết lập nền tảng cho sức khỏe, trí thông minh và trí tuệ.
Các nghiên cứu gần đây còn cho thấy giai đoạn 1000 ngày đầu đời chính là cửa sổ cơ hội để phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng như thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa đường, mỡ, các bệnh tim mạch, huyết áp, loãng xương… Các bệnh không lây nhiễm hiện được coi là sát thủ hàng đầu trên thế giới với 35 triệu người tử vong hàng năm, chiếm 60% số ca tử vong toàn cầu.
Tổ chức Y tế thế giới dự kiến các bệnh không lây sẽ tăng 17% trong thập kỷ tới, và tập trung đến 80% ở các nước đang phát triển. Bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng được và dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu, đặc biệt từ “lập trình” bào thai đóng vai trò quan trọng. Bà mẹ bị thiếu dinh dưỡng ở đầu thai kỳ thì trẻ sơ sinh có trọng lượng bình thường lúc sinh nhưng có nguy cơ béo phì và bệnh mạch vành khi lớn lên. Bà mẹ có bị thiếu dinh dưỡng cuối thai kỳ thì trẻ sơ sinh có nguy cơ sinh ra nhẹ cân và khi lớn lên có nguy cơ béo phì và đái tháo đường type 2. Trẻ thiếu dinh dưỡng ở giai đoạn sớm sau khi sinh thì sẽ giảm tăng trưởng tạm thời, nếu trẻ bắt kịp tăng trưởng thì sẽ có nguy cơ tăng huyết áp và đái tháo đường type 2 khi trưởng thành. Dinh dưỡng kết hợp với các yếu tố môi trường khác (thể dục, thuốc, nhiệt độ, áp lực…) ảnh hưởng đến 80% tình trạng sức khỏe trọn đời, yếu tố di truyền chỉ ảnh hưởng tối đa 20%.
Những ảnh hưởng do suy dinh dưỡng tạo nên một gánh nặng to lớn về kinh tế cho các quốc gia, tiêu phí hàng tỷ đô la do việc giảm năng suất lao động và các chi phí y tế không tránh được. Trẻ bị suy giảm phát triển về thể lực và trí lực do suy dinh dưỡng khi lớn lên đi làm thường có mức thu nhập bình quân thấp hơn. Một số nghiên cứu cho thấy mức thu nhập trung bình bị giảm sút đến 20% do thấp còi so với tiềm năng có thể đạt được. Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng ở các nước đang phát triển dẫn đến GDP hàng năm bị mất đi 2 – 3%. Trên toàn cầu mất mát trực tiếp về kinh tế do suy dinh dưỡng ước tính lên đến 20 - 30 tỷ đô la một năm, ảnh hưởng to lớn đến phát triển kinh tế thế giới. Ngược lại, những đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt thì có kết quả học tập tốt hơn và khi lớn lên sẽ có thu nhập cao hơn. Bằng chứng gần đây cho thấy các can thiệp về dinh dưỡng có thể cải thiện được thu nhập ở người trưởng thành lên tới 46%.
Từ những bằng chứng khoa học nêu trên ta thấy rõ ràng rằng giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng đặc biệt trong 1000 ngày vàng là ưu tiên hàng đầu nhằm giảm gánh nặng bệnh tật toàn cầu và tăng trưởng phát triển kinh tế cho các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Chiến lược dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng cần tập trung vào các can thiệp được chứng minh là có hiệu quả, khả thi, có thể triển khai trên diện rộng và có chi phí hiệu quả cao, đó là:
- Cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ có thai, bao gồm bổ sung sắt/ axit folic (đa vi chất)
- Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ
- Cải thiện thực hành bổ sung
- Cải thiện tình trạng vi chất của trẻ (đặc biệt là vitamin A và kẽm)
- Nước sạch, vệ sinh cá nhân và điều kiện vệ sinh.
CÁC CAN THIỆP DINH DƯỠNG QUAN TRỌNG TRONG 1000 NGÀY ĐẦU ĐỜI
Cần làm gì trong 1000 ngày vàng đầu đời?Chiến lược dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng được Tổ chức y tế thế giới và các hiệp hội nhi khoa khuyến cáo cần tập trung vào các can thiệp được chứng minh là có hiệu quả, khả thi, có thể triển khai trên diện rộng với chi phí hợp lý và hiệu quả cao, đó là:
Cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ có thai, bao gồm bổ sung sắt/axit folic hoặc đa vi chất: Người mẹ phải được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 quý của thai kỳ, Phải được tiêm phòng các vắc-xin dành cho người mang thai và xét nghiệm đầy đủ các bệnh lây truyền từ mẹ sang con đồng thời bổ sung viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý trong suốt thai kỳ. Việc tăng cân của người mẹ phụ thuộc vào cân nặng trước có thai, trung bình là 10-12 kg cho người có cân nặng bình thường trước có thai. Lúc này khẩu phần ăn là yếu tố quan trọng giúp tăng cân của người mẹ và đứa trẻ trong bụng. Nhu cầu năng lượng của người phụ nữ khi chưa có thai là khoảng 2000 Kcal. Khi mang thai và cho con bú phải đảm bảo đầy đủ năng lượng khoảng 3200-3400 KCal.
Khuyến khích và hỗ trợ thực hành nuôi con bằng sữa mẹ: Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất, hoàn hảo nhất dành cho trẻ. Tại bàn sinh, trẻ được “da kề da” với mẹ và bắt vú sớm trong vòng 1 giờ đầu để bé tận hưởng sữa non, có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều kháng thể giúp nâng sức đề kháng chống lại một số bệnh tật, đặc biệt các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa, giúp mẹ xuống sữa nhanh và go hồi tử cung tốt. Cho trẻ bú theo nhu cầu và cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Mẹ cần phải bổ sung nguồn dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe sau sinh và duy trì được nguồn sữa mẹ cho trẻ bú kéo dài đến 24 tháng.
Cải thiện thực hành ăn bổ sung cho trẻ 6 đến 24 tháng tuổi: Khi trẻ được 6 tháng tuổi, sự phát triển của trẻ tăng lên rất nhanh, vì vậy nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng tăng lên và sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ. Từ thời điểm này, cho trẻ ăn bổ sung ngoài sữa mẹ. Bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với nhiều thức ăn mới. Chú ý: ăn đủ số bữa và đáp ứng yêu cầu về năng lượng hàng ngày theo khuyến nghị; cho trẻ ăn thực phẩm giàu năng lượng và các chất dinh dưỡng, ăn đa dạng thực phẩm với ít nhất 5 trong 8 loại nhóm thực phẩm theo khuyến cáo hàng ngày (bao gồm ngũ cốc, hạt và đậu đỗ, rau quả giàu vitamin A, rau quả khác, thịt/cá/phủ tạng, trứng, sữa, dầu mỡ); cho trẻ ăn thực phẩm giàu sắt, ăn thịt, cá hàng ngày; hỗ trợ và chăm cho trẻ ăn no trong các bữa ăn. Đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm khi chế biến thức ăn và cho trẻ ăn.
Cải thiện tình trạng vi chất của trẻ: Ăn đa dạng thực phẩm để bổ sung vi chất dinh dưỡng, đặc biệt vitamin A và kẽm. Học cách chế biến thức ăn cho trẻ để không mất vitamin trong quá trình chế biến. Đưa trẻ dưới 5 tuổi tham gia chiến dịch uống bổ sung vitamin A tại địa phương hàng năm.
Đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân và điều kiện vệ sinh
Tạo môi trường an toàn cho trẻ vận động: Ngoài chế độ dinh dưỡng, chúng ta cần tạo một môi trường tự nhiên với đầy đủ ánh sáng và không gian rộng rãi, thông thoáng, tránh được các nguy cơ tai nạn sinh hoạt giúp cho trẻ vận động, phát triển cả về thể chất và tinh thần.
Dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời là cửa sổ cơ hội cho tất cả người mẹ cũng như cán bộ y tế và những người liên quan. Nếu biết tận dụng tối đa cơ hội đó để thực hiện chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và con ngay từ khi mang thai cho đến 2 năm đầu đời của trẻ, chúng ta hoàn toàn tin vào một thế hệ tương lai con người Việt Nam khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần./.
(theo http://1000ngayvang.viendinhduong.vn)