Bảo quản thực phẩm an toàn trong dịp tết
Biết cách bảo quản thực phẩm an toàn không chỉ đem đến cho gia đình bạn những món ăn thơm ngon mà còn giàu dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe.
Nếu bảo quản không đúng cách thực phẩm bị lên men, hư thối, nhiễm khuẩn, nhiễm các loại vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng khi ăn vào có thể gây tổn thương về đường tiêu hoá gây ngộ độc cấp tính, hoặc dẫn đến tình trạng suy các cơ quan, thậm chí có thể gây ung thư nếu sử dụng thực phẩm không an toàn trong thời gian dài.
3 cách bảo quản thực phẩm
Có 3 cách để bảo quản thực phẩm: Bảo quản thực phẩm ở môi trường bên ngoài, bảo quản ngăn mát tủ lạnh và bảo quản ở ngăn đông.
1. Bảo quản thực phẩm ở môi trường bên ngoài:
Các loại ngũ cốc như gạo, các loại hạt, rau dạng củ quả có vỏ dày như khoai mỡ, bí đỏ, khoai tây, khoai lang… có thể để được ở môi trường bên ngoài 2 tuần mà vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng (với điều kiện không dính nước vào).
2. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh:
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh được hầu hết các gia đình áp dụng. Nhiệt độ thấp có tác dụng ức chế làm giảm tốc độ các phản ứng sinh hóa trong thực phẩm. Nhiệt độ càng thấp thì tốc độ phản ứng càng giảm, vì thế nhiệt độ thấp tuy không tiêu diệt được vi sinh vật nhưng ức chế được sự phát triển của chúng.
Cách bảo quản thức ăn đã nấu chín
Thực phẩm chín lưu trữ trong tủ lạnh cần cho vào hộp kín, hộp thủy tinh đậy kín nắp là tốt nhất, để tránh ô nhiễm chéo từ các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh, cũng như không ảnh hưởng đến mùi vị thức ăn. Nếu muốn trữ từ 3-4 ngày thì nên bảo quản vào ngăn đá. Và tuyệt đối không tiếp tục sử dụng thức ăn chín sau 4 ngày, để tránh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe gia đình.
Thêm 1 lưu ý nhỏ khi bảo quản thức ăn chín là phải để nguội rồi mới cho vào tủ lạnh, để tránh việc thức ăn nóng bị làm lạnh đột ngột, làm biến đổi các vi chất dinh dưỡng. Không nên trữ cơm nguội trong tủ lạnh, vì chúng sẽ làm mất các vitamin nhóm B và sản sinh các loại vi khuẩn gây hại cho bao tử nếu dùng thường xuyên cơm nguội để trong tủ lạnh.
Cách bảo quản thực phẩm tươi an toàn
Việc bảo quản rau củ đúng cách sẽ giữ được hàm lượng dinh dưỡng vốn có
- Đối với rau tươi, không nên rửa trước khi cho vào tủ lạnh, nên cho vào bọc nilon có đục lỗ hoặc túi giấy rồi mới trữ trong tủ lạnh để tránh cho rau nhanh bị héo. Nếu rau quá bẩn thì chỉ nên rửa thật nhẹ nhàng rồi đợi ráo nước mới đem bảo quản lạnh. Thời gian bảo quản rau cũng chỉ nên kéo dài tối đa 4 ngày trở lại.
-Trứng để trong tủ lạnh ở ngăn để trứng, có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 5oC trong vòng 30-45 ngày (với điều kiện không được rửa nước). Ở nhiệt độ phòng sử dụng trong vòng 7-10 ngày. Tuy nhiên trứng đã để trong tủ lạnh khi lấy ra môi trường bên ngoài phải sử dụng luôn để đảm bảo giá trị dinh dưỡng.
- Hoa quả bảo quản ở ngăn riêng, không để táo chung với các loại quả khác vì khí ethylene trong táo tỏa ra khiến các loại quả khác nhanh chín hơn. Dưa hấu nếu để cả quả thì nên ở môi trường bên ngoài, nếu đã cắt ra thì phải bọc cẩn thận rồi mới cất vào tủ lạnh để tránh nhiễm khuẩn và nhiễm các mùi thực phẩm khác. Chuối không nên bảo quản tủ lạnh vì dễ thâm, nhũn mất giá trị dinh dưỡng. Nếu để trong tủ lạnh phải bọc cuống lại để chuối được tươi lâu hơn.
Ảnh: Bao gói các loại thực phẩm trước khi cất vào tủ lạnh.
3. Bảo quản ở ngăn đông: Đảm bảo nhiệt độ ở ngăn đông dưới -15oC. Các loại thịt cá, hải sản nên chia thành từng phần nhỏ đủ lượng ăn trong ngày, có thể bảo quản ngăn đông 01 tháng mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng.
Khi sử dụng, rã đông thực phẩm bằng cách cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn mát để làm tăng nhiệt độ từ từ sau đó mang ra ngoài thì thực phẩm sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng. nếu thịt cá đã rã đông thì nên dùng hết 1 lần, bởi nếu cho thịt vào đông lạnh lần nữa thì nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng lên gấp 2 lần.
Thịt, cá sống, sữa đã mở nắp,… là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, vì thế nên cho vào túi hay hộp kín, để ở ngăn đồ tươi sống riêng biệt và nếu để trong ngăn mát thì nên lên kế hoạch dùng hết trong vòng 3-4 ngày và 1 tuần với ngăn đông
Vân Mai