Dấu hiệu cảnh báo chứng tự kỷ ở trẻ em
Ngày 2/4 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về rối loạn này, giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị, được yêu thương nhiều hơn và dễ dàng hòa nhập cuộc sống hơn.
Rối loạn phổ tự kỷ (gọi tắt tự kỷ) không còn xa lạ trong xã hội hiện nay. Đây là một rối loạn xuất hiện sớm trong quá trình phát triển của não bộ, biểu hiện bằng sự suy giảm rõ rệt khả năng tương tác - giao tiếp xã hội và các hành vi, sở thích, mối quan tâm thu hẹp kéo dài suốt cuộc đời, gây ảnh hưởng đến khả năng thích ứng xã hội và độc lập của trẻ khi trưởng thành.
Theo nghiên cứu mới nhất vào tháng 3/2022 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính trên thế giới cứ 100 trẻ em thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ.
Tự kỷ là rối loạn phát triển thần kinh làm khiếm khuyết các kỹ năng giao tiếp, lời nói và phát triển các mối quan hệ xã hội. Đồng thời, trẻ tự kỷ có những vấn đề về hành vi, sở thích, thói quen rập khuôn cứng nhắc, định hình. Trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập với thế giới chung quanh.
Tự kỷ là một rối loạn, không phải là bệnh và không lây lan từ người này sang người khác. Vì thế, hiểu đúng về tự kỷ, nhận biết dấu hiệu tự kỷ để can thiệp sớm là vô cùng quan trọng, giúp trẻ không bị bỏ lỡ “Thời gian vàng” – tức được can thiệp trước 3 tuổi, hạn chế sự kỳ thị và áp lực đối với trẻ và gia đình.
Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ em ở độ tuổi sớm (9 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 30 tháng) cần tầm soát phát triển, hành vi và rối loạn phổ tự kỷ. Khi lớn hơn, trẻ sẽ phải đối mặt với các vấn đề tâm lý học đường, tâm lý tuổi dậy thì. Vì vậy, các bậc làm cha mẹ luôn phải dành sự quan tâm lớn tới sức khỏe tinh thần cho con.
Một số các triệu chứng sớm phổ biến cho phép nghi ngờ tự kỷ
* Khả năng giao tiếp kém: Hạn chế khả năng giao tiếp là biểu hiện đặc trưng của rối loạn phổ tự kỷ
- Hạn chế về khả năng sử dụng ngôn ngữ, vốn từ nghèo nàn, hạn hẹp.
- Trẻ chậm nói, nói ít hoặc không nói, thường phát ra các từ ngữ, âm thanh vô nghĩa hoặc không đúng ngữ cảnh.
- Trẻ gặp khó khăn trong việc bày tỏ các quan điểm, ý kiến và mong muốn cá nhân.
- Có xu hướng nhại lời người khác hoặc chỉ nói khi có nhu cầu cần thiết như muốn đi chơi, muốn ăn, muốn đi vệ sinh,…
- Trẻ chỉ nói được những từ cơ bản, phần lớn không biết đặt câu hỏi, không biết cách kể chuyện.
- Giọng nói của trẻ tự kỷ cũng khác thường, trẻ hay nói to, nói nhanh, nói ngọng, nói lơ lớ, phát âm không rõ.
* Suy giảm khả năng tương tác xã hội
- Trẻ không có nhiều hứng thú với các hoạt động vui chơi, giải trí xung quanh.
- Trẻ có xu hướng thích ở một mình, ngại tương tác; Trẻ không biết chơi các trò chơi giả vờ, tưởng tượng.
- Trẻ không có phản ứng khi được gọi tên, thường lờ đi trước các tác động bên ngoài.
- Rất hạn chế hoặc thậm chí là không bao giờ giao tiếp bằng ánh mắt.
- Trẻ chỉ thích một hoặc một vài trò chơi, đồ vật nhất định và không muốn chia sẻ sở thích với bất kỳ ai.
- Khi tương tác với người khác, trẻ ít hoặc không thể hiện bằng cử chỉ, biểu cảm gương mặt.
- Không làm theo hướng dẫn, không chú ý và tập trung vào các chỉ dẫn của người khác.
- Trẻ ít khi bộc lộ cảm xúc trên nét mặt, không thể hiện vui buồn.
* Rối loạn hành vi
- Thường có những hành vi rập khuôn, hay lặp đi lặp lại các hành động vô nghĩa như lắc lư người, xoay tròn, nhón gót, vỗ tay, vẫy tay, nhảy nhót, đi qua lại, đan tay vào nhau, ngắm nhìn bàn tay,…
- Có những sở thích lạ, bất thường như ngắm nhìn các chuyển động xoay tròn, xem liên tục một phần quảng cáo, đóng mở cửa nhiều lần,… Thường chơi các trò chơi hoặc sinh hoạt theo một thứ tự nhất định; Khó khăn trong việc thích nghi và thay đổi môi trường sống; Bị hạn chế về sở thích, chỉ quan tâm đến các chi tiết nhỏ.
* Với các dấu hiệu điển hình, rối loạn phổ tự kỷ còn có thể kèm theo các triệu chứng như:
Thường xuyên kích động, tự làm tổn thương bản thân; Nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, thực phẩm, mùi vị,…
Rối loạn cảm xúc, thường xuyên căng thẳng, lo lắng quá mức; Hiếu động, tăng động quá mức; Thiếu sự nhận thức về sự nguy hiểm.
Một số biện pháp hỗ trợ tâm lý cho trẻ tự kỷ:
Những hoạt động dạy bảo trẻ tự kỷ sẽ diễn ra trong một thời gian dài và sẽ còn nhiều khó khăn đang chờ phía trước. Vì vậy, cha mẹ cần được hỗ trợ để có thể chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng về cả tinh thần, sức khỏe, kinh tế để đồng hành với trẻ.
Can thiệp sớm: Can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, tăng chất lượng cuộc sống của trẻ và gia đình. Việc này thường được thực hiện trước khi trẻ 5 tuổi, và tốt nhất là trước 3 tuổi (thời gian vàng). Vì vậy, sau khi trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ cần tiềm hiểu về quy trình can thiệp và hướng dẫn các biện pháp can thiệp sớm phù hợp.
Khuyến khích sự chủ động: Cha mẹ cần chủ động trong việc sắp xếp thời gian, bố trí môi trường, lựa chọn giải pháp can thiệp cho trẻ. Cha mẹ cần tìm hiểu thật kĩ các biện pháp can thiệp, nhận thức rõ những khó khăn của trẻ, điểm mạnh điểm yếu, sở thích và nhu cầu của trẻ để từ đó đưa ra sự lựa chọn.
Khuyến khích sự chia sẻ và tham gia các hoạt động có tính cộng đồng: Cha mẹ nên tham gia các câu lạc bộ dành cho gia đình trẻ tự kỷ. Tại đây những người có cùng hoàn cảnh sẽ cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ vậy, cha mẹ có thể tham gia những hoạt động cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về tự kỷ, đưa ra tiếng nói và những mong đợi của trẻ tự kỷ, thúc đẩy sự phát triển của các chính sách xã hội phù hợp, giúp mang lại sự hòa nhập tốt nhất cho trẻ tự kỷ. Cha mẹ luôn cần xóa bỏ mặc cảm, mạnh dạn giúp trẻ tham gia được những hoạt động xã hội phù hợp tại cộng đồng, xã hội.
Các tổn thương ở não bộ do rối loạn phổ tự kỷ gây ra sẽ kéo dài vĩnh viễn và hiện vẫn chưa có bất kỳ biện pháp nào có khả năng điều trị tận gốc. Đồng thời, các triệu chứng và biểu hiện của căn bệnh này rất đa dạng nên việc phát hiện và can thiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu có thể kịp thời phát hiện các triệu chứng tự kỷ ở giai đoạn sớm và áp dụng tốt các biện pháp hỗ trợ phù hợp thì người bệnh vẫn có khả năng phát triển, cải thiện các khiếm khuyết, nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Do đó, khi thấy con có dấu hiệu từ 3 triệu chứng trên, cha mẹ hãy đưa con đến ngay các cơ sở chuyên khoa để khám và can thiệp kịp thời.
Hoàng Ly (ST)