Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp
Ngày 14/9/2022, Bộ Y tế vừa ban hành Công văn 4986/BYT-MT về việc Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay công tác này còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế, năng lực của các đơn vị cung cấp dịch vụ về quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp ở nhiều địa phương chưa được quan tâm, đầu tư.
Thực hiện Nghị quyết số 659/QĐ-TT ngày 20/5/2020 của Chính phủ phê duyệt chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động phòng chống nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2030, nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai một số nội dung sau:
Sở Thông tin và Truyền thông: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt tập trung tại các cơ sở là lao động có yếu tố có hại, có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: bố trí kinh phí, ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực cho ngành Y tế để đáp ứng yêu cầu của công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động và thực hiện các mục tiêu chương trình ban hành kèm theo Nghị quyết số 659/QĐ-TT ngày 20/5/2020 của Chính phủ phê duyệt chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2030.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động về đảm bảo vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.
Sở Y tế: tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp của địa phương. Rà soát đầu tư nâng cao năng lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực thực hiện quan trắc môi trường lao động cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường các tỉnh, thành phố để đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành và hỗ trợ đảm bảo chất lượng lao động, quan trắc môi trường lao động trên địa bàn.
Đối với các tỉnh, thành phố chưa có cơ sở cấp phép khám, điều trị bệnh nghề nghiệp đề nghị rà soát nhu cầu khám, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động và chỉ đạo nâng cao năng lực cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu để được cấp phép khám, điều trị bệnh nghề nghiệp theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám chữa bệnh và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Y tế.
Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động, các cơ sở y tế được cấp phép khám, điều trị bệnh nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế, đảm bảo thực hiện đúng và đủ quy định tại Nghị định của Chính phủ, kịp thời phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong tổ chức thực hiện và báo cáo văn bằng văn bản về Bộ Y tế.
Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế suất: đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phạm vi quản lý tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phối hợp với các đoàn kiểm tra, thanh tra về vệ sinh lao động khi có yêu cầu.