Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại
Từ đầu năm đến nay, việc tiêm phòng dại cho chó, mèo toàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng 39,6% tổng đàn. Huyện Tuy An, Tây Hòa và thành phố Tuy Hòa có nhiều trường hợp bị chó dại và nghi dại cắn, trong đó có 01 trường hợp tử vong.
Tại tỉnh Phú Yên, năm 2022 có 7.944 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng và 3 tháng đầu năm 2023 có 2.669 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Đặc biệt, từ ngày 8/3/2023 đến ngày 11/4/2023, trên địa bàn các huyện Tuy An, Tây Hòa và thành phố Tuy Hòa có nhiều trường hợp bị chó dại và nghi dại cắn, trong đó có 01 trường hợp tử vong.
Nguyên nhân là do công tác quản lý đàn chó tại một số địa phương chưa tốt. Người nuôi chó không chấp hành việc nhốt, xích, đeo rõ mõm, chó thả rông cắn người gây bức xúc cho cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, việc tiêm phòng dại cho chó, mèo toàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng 39,6% tổng đàn. Chưa thành lập đội chuyên trách để bắt chó thả rông nơi công cộng, chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin dại cho chó theo qui định.
Để tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp thực hiện tốt một số nội dung;
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thành phố thực hiện tốt các kế hoạch về phòng chống bệnh dại do UBND tỉnh ban hành. Thống kê và báo cáo chính xác số hộ nuôi chó, mèo. Hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết việc thực hiện khai báo chấp hành nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình. Chó khi ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt để phòng cắn người, đặc biệt đối với các giống cho hung dữ cần được nuôi, xích nhốt, có rọ mõm. Tổ chức quản lý, lập danh sách các hộ nuôi chó, mèo. Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, để quyết định thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh dại. Chỉ đạo các địa phương có tỉ lệ tiêm phòng dại đạt rất thấp, tiếp tục phối hợp với ngành thú y thực hiện tiêm phòng triệt để đàn chó, mèo nuôi, đảm bảo đạt tỉ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn giai đoạn 2022-2025 và trên 80% giai đoạn 2026-2030. Thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo thuộc diện tiêm phòng. Các cơ quan chuyên môn thú y và cơ quan y tế khi nhận được thông tin các trường hợp bị chó dại hoặc nghi dại cắn, chủ động phối hợp và chia sẻ thông tin, tổ chức điều tra xác định nguyên nhân ổ dịch và thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Rà soát và tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại, đặc biệt tại những nơi khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, khu đông dân cư. Thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo UBND các cấp làm trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị chuyên môn như; thú ý, y tế đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại tại cơ sở. Kiểm tra, xử phạt đối với chủ nuôi chó, mèo vi phạm các quy định về phòng chống bệnh dại và để chó, mèo cắn người theo quy định. Kiện toàn thú y cấp xã, đảm bảo mỗi xã đều có nhân viên thú y, hoặc người phụ trách lĩnh vực chăn nuôi thú y, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương theo kế hoạch của tỉnh.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý và phòng chống bệnh dại chó, mèo theo các kế hoạch của UBND tỉnh. Tổ chức thực hiện cập nhật các số liệu nuôi chó, mèo tại các địa phương. Tổ chức tiêm phòng triệt để đàn chó, mèo đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng theo quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện sớm bệnh dại và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh dại.
Đối với Sở Y tế Phú Yên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai, tổ chức thực hiện tốt việc phối hợp phòng chống bệnh dại lây sang người.
Đối với Sở thông tin và truyền thông, Báo Phú Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, Thông tấn xã Việt Nam tại Phú Yên và các phương tiện thông tin đại chúng; Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, để người nuôi chó, mèo thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, mèo, không để chó chạy rông. Khi đưa chó ra ngoài, cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm phòng vắc xin phòng dại. Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, các biện pháp, quy định của pháp luật về phòng chống bệnh dại.
Đối với chủ vật nuôi; Chấp hành công tác phòng chống bệnh dại tại địa phương bao gồm; Tiêm vắc xin phòng dại, khai báo việc nuôi chó, mèo. Khi chó ra đường, nơi công cộng phải đeo rọ mõm theo qui định. Khi để chó, mèo thả rông cắn người, thì chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất về sức khỏe, tinh thần và vật chất cho người bị hại theo qui định của pháp luật. Khi bị chó dại hoặc nghi dại cắn, phải đưa ngay đến Trung tâm Y tế để được điều trị dự phòng, không được tự ý điều trị bằng thuốc nam, đồng thời báo cho ngành thú y để triển khai các biện pháp phòng chống.
QUỐC TẠ