Cần tiêm phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cào, cắn
Đến nay, Bệnh dại khi đã khởi phát bệnh thì vẫn chưa có cách cứu chữa được. 100% trường hợp khi đã khởi phát bệnh dại đều tử vong.
Nguyên nhân gây tử vong do bệnh dại trên người chủ yếu là do người bị động vật mắc bệnh dại cắn mà không tiêm phòng vắc xin. Và nguyên nhân cần chú trọng là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Phú Yên, chỉ trong tháng 1 năm 2022 đã có 1.328 trường hợp tiêm vắc xin phòng dại, 2 trường hợp tử vong.
Trong năm 2023, thống kê được trên 12 nghìn người đi chích ngừa dại, đa số đến sớm dưới 10 ngày (chiếm 95,8%). Tiêm ngừa loại súc vật cắn chủ yếu là chó (10.820 trường hợp); mèo (1.469 trường hợp), dơi và động vật khác.
ÁM ẢNH BỆNH DẠI
Nhiều người nhà nạn nhân đã từng bị chó dại cắn cho biết, đây là tổn thương mà khi nhớ đến vẫn còn sợ. Bà N.T.T ở Tuy Hoà cho biết vẫn còn ám ảnh về cơn dại của người em họ cách đây hơn 20 năm. Khi bị lên cơn dại, bệnh nhân dại ở phòng tối nhưng vẫn la hét, vật vã, sùi bọt mép.
Mới đây, đầu tháng 02/2024, ở thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, H. Tuy An , 1 bệnh nhân do bị chó lạ chạy vào nhà cắn vào bàn tay trái, vết thương trầy xước, chảy máu nhưng chủ quan không đi tiêm vaccine phòng dại. Sau khoảng 10 ngày, bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, có triệu chứng sợ nước, sợ gió nhập viện cấp cứu nhưng đã tử vong.
Trước đó, tháng 01/2024, ở thị xã Đông Hòa (tỉnh Phú Yên), 01 bệnh nhân bị chó cắn đã tử vong do bệnh dại. Người này bị chó lạ cắn vào tay phải, vết thương trầy xước, trước đó khoảng 3 tháng (khoảng tháng 10/2023) nhưng không chủ động đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Người nhà đã đưa bệnh nhân đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhiệt đới Nha Trang - Khánh Hòa.
Nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại do chính chó chủ nhà tự nuôi, chó con cắn, do ăn phải thịt chó dại vẫn diễn ra từ nhiều năm nay.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút Rhabdovirus lây truyền từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt. Nguồn lây bệnh dại là động vật hoang dã và cả vật nuôi (chó, mèo). Thời gian ủ bệnh của virus dại có thể chỉ trong vòng 7 đến 10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài nhiều năm. Vết cắn càng nặng, gần hệ thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Virus dại có thể lây qua vết cắn, cào hoặc hành động liếm vào vết thương hở của động vật, ví dụ mèo, chó, dơi. Từ vết cắn, virus dại xâm nhập qua da, niêm mạc rồi nhân lên tại chỗ, sau đó tiến dọc theo dây thần kinh và di chuyển lên hệ thống thần kinh trung ương, phá hủy các tế bào thần kinh của vỏ não, vỏ tiểu não, tủy sống. Lúc này, người bệnh sẽ phát bệnh dại.
Triệu chứng khởi đầu của bệnh dại gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi… Bước vào giai đoạn viêm não, người bệnh dại thường có dấu hiệu mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió. Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, rối loạn huyết động...
Phương pháp để xác định bệnh dại là xét nghiệm sinh học phân tử vi rút dại trong nước bọt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).
CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH
Người nuôi chó, mèo cần chủ động đưa vật nuôi đi tiêm ngừa bệnh dại và thực hiện tiêm nhắc hằng năm để phòng tránh bệnh dại nguy hiểm cho chủ nhân và người xung quanh.
Tuy nhiên, vật nuôi đã được tiêm ngừa vẫn không chắc chắn phòng bệnh dại 100%, vì vậy người dân khi bị chó, mèo, vật nuôi cắn vẫn có nguy cơ mắc bệnh dại.
Trung tâm CDC Phú Yên khuyến cáo, Bệnh Dại phần lớn có thời gian ủ bệnh dài, do vậy phải Rửa kỹ vết cắn càng sớm càng tốt; Tiêm vắc xin Dại càng sớm càng tốt; Phải tiêm đủ liều (theo hướng dẫn của nơi tiêm) để đảm bảo rằng có đáp ứng miễn dịch trước khi vi rút xâm nhập vào thần kinh trung ương. Sử dụng huyết thanh kháng Dại phối hợp với vắc xin Dại nếu vết cắn, Vết xước, vết cào, liếm trên da bị tổn thương, niêm mạc, Vết cắn/cào chảy máu.
Cách Xử lý vết thương do khi bị chó, mèo hoặc súc vật cắn:
-Rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt nhằm loại bỏ vi rút khỏi vết thương. Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng (Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại);
-Vết thương sau khi rửa bằng nước cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt hoặc rượu mạnh (để làm giảm thiểu lượng vi rút tại vết cắn), sau đó đưa người bị súc vật cắn đến cơ sở y tế gần nhất điều trị.
Tiêm ngừa phòng dại. Hiện có 2 loại vắc xin phòng bệnh dại: Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ), đều được sản xuất theo công nghệ mới, không chứa các tế bào thần kinh nên không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ của người được tiêm phòng, không chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú.
Nếu bị chó, mèo cắn, phác đồ của người chưa tiêm vắc xin bao gồm 5 mũi (vào các ngày 0-3-7-14-28, đối với đường tiêm bắp) hoặc 4 mũi (vào các ngày 0-3-7-28, đối với đường tiêm trong da). Trường hợp có Vết xước, vết cào, liếm trên da bị tổn thương, niêm mạc, Vết cắn/cào chảy máu cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại.
Ngoài ra, người dân không nên thả rong chó ra đường và không đến gần chó lạ, chó chạy rông... Cần xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình và phải đảm bảo vệ sinh môi trường; xích, rọ mõm giữ chó khi đưa chó ra ngoài nơi công cộng. Tiêm vắc xin phòng dại cho chó mèo định kỳ đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ thú y.
Khi nuôi chó mèo phải đăng ký, chó nuôi cần dùng xích hoặc chuồng để nhốt lại, hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với chó mèo nhất là vào mùa nắng nóng, cần huấn luyện thường xuyên để chó bớt hung hăng.
Nhạn Nguyễn