Sơ cấp cứu gãy xương ban đầu trong môi trường lao động
Việc sơ cấp cứu là vô cùng cần thiết, bởi vì thời gian chờ đợi người có chuyên môn đến để xử lý, có thể làm cho bệnh nhân mất đi cơ hội hoặc giờ vàng được cứu sống. Trong một số trường hợp tai nạn hoặc bệnh tật có tính khẩn cấp như; chảy máu nặng hay ngừng thở, ngừng tim đòi hỏi phải xử trí ngay để cứu sống nạn nhân, hoặc làm cho các thương tổn không nặng thêm
Bs. Huỳnh Thế Vinh
Sơ cấp cứu là những trợ giúp hay chữa trị ngay lúc ban đầu cho nạn nhân bị bất cứ chấn thương, sự cố hay bị một căn bệnh đột ngột nào đó trước khi có xe cấp cứu, bác sĩ, hoặc người có chuyên môn đến chữa trị. Việc sơ cấp cứu là vô cùng cần thiết, bởi vì thời gian chờ đợi người có chuyên môn đến để xử lý, có thể làm cho bệnh nhân mất đi cơ hội hoặc giờ vàng được cứu sống. Trong một số trường hợp tai nạn hoặc bệnh tật có tính khẩn cấp như; chảy máu nặng hay ngừng thở, ngừng tim đòi hỏi phải xử trí ngay để cứu sống nạn nhân, hoặc làm cho các thương tổn không nặng thêm. Đối với các cấp cứu ban đầu, giây phút đầu tiên khi tiếp cận nạn nhân là hết sức cấp thiết, nó quyết định sự sống chết của nạn nhân. Có những tai nạn có thể cấp cứu sau một vài phút trước khi đưa đến cơ sở y tế. Trong môi trường lao động, các công nhân thường gặp phải những tai nạn trong lao động, từ những tai nạn nhẹ đến những tai nạn nặng như gãy xương, ngộ độc khí, ngừng thở, ngừng tim….Đối với môi trường lao động nặng nhọc, thì các trường hợp tai nạn gãy xương cũng có thể xảy ra. Để giảm thiểu những hậu quả do gãy xương trong quá trình lao động, mọi người dân, đặc biệt là công nhân lao động vẫn có thể thực hiện sơ cấp cứu ban đầu các trường hợp gãy xương theo hướng dẫn như sau:
Đối với các trường hợp gãy xương hàm: Nếu gãy xương hàm trên, đối với mọi thương tổn ở mặt bao giờ cũng phải chú ý tới đường hô hấp. Nếu có vết thương phải cầm máu (nhét gạc, kẹp mạch máu). Nếu răng gãy cứ để nguyên, trừ trường hợp đã gãy rời hẳn ra, và có thể rơi vào cổ họng gây tắc nghẽn đường hô hấp thì mới lấy đi. Đối với gãy xương hàm trên, có thể gây biến dạng hàm dưới, mất răng, chảy máu lợi và khó nuốt. Gãy hàm có thể làm tụt lưỡi về phía họng gây nên khó thở, trong trường hợp này phải dùng một miếng gạc hoặc khăn tay kéo lưỡi ra phía trước và giữ ở tư thế đó rồi cố định hàm dưới lại. Thông thường thì người bị gãy hàm thường cắn răng chặt lại, từ chối không nói khi ta hỏi, họ chỉ ra hiệu trả lời vì nói sẽ rất đau. Nên đặt các miếng gạc lạnh lên hàm, để làm giảm sưng và đau, nên cố định hàm bằng một kiểu băng đặc biệt, nếu bệnh nhân mê man hay chảy máu ra mồm và có nôn phải luôn có người bên cạnh để cởi băng ra khi họ nôn.
Gãy xương đòn, xương bả vai: Thường là do ngã chống lên tay hoặc ngã đập vai trực tiếp vào vật cứng. Đặt một đệm bằng khoảng nắm tay vào nách sau đó bó tay vào cạnh ngực. Có thể thực hiện bằng một băng vải tam giác, hoặc dùng băng vải dài băng theo kiểu đeo ba lô
Gãy xương cánh tay và khớp khuỷu: Gãy cánh tay rất dễ bị biến chứng, vì vị trí của các mạch máu và dây thần kinh đi rất sát xương. Đau và biến dạng chi rất rõ ràng, bệnh nhân không nhấc được cánh tay lên, hoặc gấp khớp khuỷu tay lại, nên cố định bằng các nẹp tuỳ theo khớp khuỷu có bị tổn thương hay không. Nếu khớp khuỷu không bị tổn thương, có thể đặt hai nẹp phía trong và phía ngoài và giữ tư thế cánh tay bằng một băng tam giác. Nếu khớp khuỷu cũng bị tổn thương, có thể đặt hai nẹp dài phía ngoài từ vai, phía trong từ nách tới tận cổ tay và băng lại. Nên cho bệnh nhân thuốc giảm đau để đề phòng sốc.
Gãy xương cẳng tay; Cẳng tay có hai xương, có thể gãy một hoặc cả hai. Khi chỉ có một xương bị gãy, xương kia hình thành như một nẹp, vì vậy không có hoặc có rất ít biến dạng, biến dạng nhiều nhất hay gặp khi gãy ở gần cổ tay và khi cả hai xương bị gãy. Sử dụng hai nẹp bằng gỗ hoặc một hiện vật bất kỳ (một tờ báo gấp nhiều lần), và độn thật tốt, đặt một nẹp phía trên, một nẹp phía dưới, dùng băng băng lại, chú ý nẹp phải đủ dài từ khớp khuỷu đến tận nửa bàn tay. Muốn cố định được chắc chắn, dùng một băng tam giác đeo cánh tay, giữ cho bàn tay cao hơn khớp khuỷu chừng 10cm. Nếu không có băng tam giác, có thể đeo tay bằng vạt áo khoác ngoài hoặc vạt áo sơ mi.
Gãy cổ tay và bàn tay: Cổ tay bị gãy thường do ngã, bàn tay ở tư thế duỗi. Thường có biến dạng về phía lưng cổ tay, sưng gồ lên và đau. Không nên xoa bóp hay nắn kéo mà cũng xử trí như gãy cánh tay. Bàn tay có thể bị thương do vật gì đập vào hoặc đè chẹt lên, tay sẽ bị sưng không cử động được, có thể có thương tích kèm theo và gãy xương. Phải đặt nẹp từ nửa cẳng tay tới đầu các ngón, nẹp phải độn kỹ càng, phải đặt một cuộn bông hoặc gạc ở dưới các ngón để giữu cho bàn tay ở vị trí hơi khum. Dùng băng cuộn hay băng chun giữ cho bàn tay cố định vào nẹp. Sau đó đeo cẳng tay và bàn tay bằng một băng tam giác hay dây đeo. Lưu ý, nếu có thương tổn ở các gân, thì phải gửi bệnh nhân đi cấp cứu để khỏi ảnh hưởng đến hoạt động của bàn tay sau này. Cho bệnh nhân thuốc giảm đau.
Gãy ngón tay: Trước hết dùng một tay của ta nắm chặt cổ tay bệnh nhân, tay kia nắm chặt vào đầu ngón tay bị gãy và kéo cho thẳng ra, chỉ cố định ngón bị gãy bằng một nẹp nhỏ (ví dụ cái đè lưỡi bằng gỗ) từ đầu ngón tới cổ tay, các ngón kia vẫn để hoạt động bình thường. Cần gửi bệnh nhân tới khám một bác sỹ chấn thương càng sớm càng tốt.
Chấn thương vùng ngực và gãy xương sườn: Gãy xương sườn thường do ngã đập vào một vật có cạnh, có thể do các thương tổn nặng do đập mạnh hoặc ngã cao. Gãy xương sườn làm cho bệnh nhân rất đau đớn, đau tăng lên khi thở, phổi có thể bị tổn thương và khi đó ta thấy ho ra máu tươi có bọt. Nếu có vết thương hở phải lập tức bịt lại. Người ta thường dùng một loại gạc có sẵn vaselin đặt lên trên vết thương, ở ngoài có tờ giấy nhôm hoặc polyethylene và sau đó bịt kín bằng băng dính. Nếu không có phương tiện gì có thể dùng ngay quần áo có nhuốm máu của nạn nhân để tạm thời nút vết thương lại. Nếu thấy nơi nào có máu đang chảy phải ấn chặt hoặc kẹp lại, bắt mạch để theo dõi tình hình người bệnh, nếu còn tiếp tục chảy máu và ở phổi, mạch sẽ nhanh và yếu, cần theo dõi cả nhịp tim và huyết áp. Người bị thương nếu tỉnh táo nên để ngồi ở tư thế này dễ thở hơn. Nếu nạn nhân không ngồi được nên để họ ở vị thế nửa ngồi, có một gối đệm ở phía sau hay tựa lên một gối đặt trên đầu gối. Nếu có thể được, cho bệnh nhân tựa ngay chính vào phía bị thương làm cho bớt đau và làm giảm khả năng chảy máu. Nếu bệnh nhân bất tỉnh phải đặt ở tư thế bệnh nhân bất tỉnh và nằm đè lên phía bị thương, đầu để thấp và nghiêng sang một bên để giữ cho đường thở thông suốt, nếu có đờm dãi thì tự chảy ra được, nếu thấy máu có bọt ở mồm hay mũi, dùng một ống hút hay lau chùi hết máu để dễ thở.
Vỡ hộp sọ: Có thể do ngã, do một vật gì đập vào, do bị đè ép hay do hoả khí. Người bị thương có thể tỉnh táo hoặc mất tri giác, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu và nôn. Có thể chảy máu qua mũi, tai, mồm, còn có thể bị liệt và có biểu hiện của sốc. Phải đặc biệt lưư ý đối với nạn nhân để không gây thêm tổn thương ở não. Nạn nhân phải giữ ở tư thế nằm, nếu mặt hồng hào thì đầu và vai có thể để hơi cao hơn một chút, trái lại nếu mặt tái nhợt thì đầu phải để cùng tư thế với thân hoặc thấp hơn một chút. Có thể làm ngừng chảy máu bằng cách để ngón tay trực tiếp vào động mạch trán hoặc động mạch cổ. Khi chuyển bệnh nhân phải nhẹ nhàng và mỗi bên đầu nên có một chiếc gối chèn không cho xê dịch, không bao giờ được tiêm Morphin cho bệnh nhân bị vỡ sọ.
Gãy xương chậu: Thường do ngã cao hay bị một lực nào tác động vào vùng khung chậu. Người bị thương có thể kêu đau ở hông, ở khung khớp háng hay ở mông. Thử ấn nhẹ vào bờ trên hai bên xương hông xuống dưới và vào trong, nếu xương chậu bị gãy sẽ làm cho đau đớn. Nếu nghi là gãy xương chậu nên khuyên bệnh nhân đái để lấy nước tiểu xem có máu không. Nếu bàng quang và niệu đạo bị tổn thương, nước tiểu có thể thấm vào tổ chức, gãy xương chậu có thể gây chảy máu nặng đe doạ đến tính mạng, phải theo dõi cẩn thận và liên tục. Nếu bệnh nhân đau nhiều nên sơ cứu như đã tả trong mục gãy cột sống trước khi đặt nạn nhân lên cáng hoặc phản gỗ cứng. Để nạn nhân nằm ở tư thế nào thoải mái đối với họ. Nằm ngửa, nghiêng hoặc nằm sấp, bao giờ cũng phải lưu ý đến chảy máu trong. Nạn nhân có thể bị sốc nên phải phòng và chữa sốc. Khi vận chuyển nạn nhân nhất thiết phải để trên ván cứng, để một cái đệm vào giữa hai bắp đùi, hai đầu gối và mắt cá chân buộc vào nhau (cho thuốc giảm đau).
Gãy xương đùi: Gãy xương đùi là một tổn thương lớn có thể làm mất nhiều máu. Nếu kết hợp với các gãy xương hay tổn thương khác có thể cần thiết phải truyền máu hay các dịch thay thế để chống sốc. Gãy xương đùi thường rất đau, chân có thể ngắn và đổ ra phía ngoài (so sánh với bên lành). Cần xử lý hết sức nhẹ nhàng sau đó đặt nẹp cố định. Nẹp đúng cách phải gồm hai thanh, một thanh đặt từ nách tới mắt cá, còn thanh kia từ háng (bẹn) tới mắt cá, phải dùng 6-7 dây buộc ở 6-7 đoạn (Ngang hõm nách, thắt lưng, chậu hông, đùi –trên/dưới nơI gãy, gối và cổ chân), phải đặt lên cáng hoặc tấm ván dài khi đưa đến cơ sở y tế. Cho thuốc giảm đau.
Gãy các xương cẳng chân: Cẳng chân có hai xương: xương chày và xương mác. Khi một xương bị gãy, xương kia tác dụng như một cái nẹp và vì vậy ít có biến dạng. Khi xương chầy (xương lớn) bị gãy, thường do một chấn thương rất mạnh, sẽ phức tạp hơn, cẳng chân sưng to, nạn nhân rất đau đớn cần tiêm thuốc giảm đau. Phải kéo thẳng chân ra nhẹ nhàng. Nếu dùng nẹp gỗ cần đệm kỹ hai bên và phía dưới cẳng chân. Nẹp phải dài từ giữa xương đùi đến tận gót .
Gãy xương bánh chè: Gãy xương bánh chè thường do ngã hoặc bị một vật cứng đập trực tiếp vào đầu gối. Ngoài những biểu hiện thông thường của một gãy xương có thể sờ thấy một rãnh ở bánh chè. Không thể nâng được cẳng chân lên và nếu được thì chân sẽ bị kéo lê. Phải kéo chân thẳng ra một cách nhẹ nhàng, cẩn thận. Nếu có nẹp hơi nên đặt nẹp cả đùi, đối với các loại nẹp khác cần độn kỹ dưới khoeo chân và trên gót rồi dùng các băng hoặc dây buộc lại. Cho thuốc giảm đau
Gãy cổ và bàn chân: Thường do bị ngã, bị xoáy vặn hay vật gì đập vào, chân bị sưng đau và không đi được. Nếu có nẹp hơi, đặt nẹp từ cẳng chân trở xuống. Với các nẹp khác phải độn kỹ bằng vải, quần áo hoặc gối. Nẹp đặt ở mỗi bên chân phải đủ dài, từ giữa bắp chân tới tận bàn chân.
Gãy cả hai chân: Nếu cả hai chân bị gãy có thể bị mất máu nặng, cần chú ý xem nạn nhân có bị sốc không và xử trí đề phòng sốc. Chuẩn bị các nẹp có đệm từ đùi xuống tận gót chân nếu gãy dưới khớp gối và từ nách tới tận mắt cá nếu gãy trên khớp gối. Sau đó bó hai chân lại với nhau một cách nhẹ nhàng có thể kéo nhẹ cho chi thẳng ra. Không nên buộc các dây ở ngay nơi các xương bị gãy, chú ý đến sự lưu thông máu bằng việc quan sát các ngón chân (hồng hào hay trắng bệch, nóng hay lạnh), để bệnh nhân nằm ngửa và thẳng trên cáng.
Gãy cột sống: Là một tổn thương nghiêm trọng nhất, nếu đã nghi nạn nhân bị gãy cột sống phải yêu cầu họ nằm im và không cho phép ai được di chuyển họ cho tới khi tìm được một phản cứng và đặt họ lên. Xê dịch nạn nhân rất nguy hiểm vì có thể làm cho tuỷ sống bị tổn thương thêm, nạn nhân sẽ bị liệt chi, mất cảm giác các chi và bí đái, bí ỉa. Gãy cột sống thường xảy ra khi bị ngã cao, nên nghĩ đến nạn nhân có thể gãy cột sống khi họ bị ngã từ độ cao hai mét trở lên. Hỏi xem họ có đau ở lưng không ?. Cũng có trường hợp nạn nhân không đau (rất ít khi). Trường hợp nghi ngờ vẫn cứ phải coi như bệnh nhân bị gãy cột sống để xử trí. Bảo nạn nhân cử động các ngón chân để xém họ có bị liệt hay không? Sau đó đặt tay mình vào ngón chân của nạn nhân và hỏi họ xem có cảm giác gì không? Tất cả các nạn nhân bị gãy cột sống phải nằm thẳng và yên tĩnh trên nền cứng (hoặc cáng cứng), không bao giờ được để nạn nhân nằm co như con tôm hoặc ngồi gập lưng, cũng không nên cho họ tự xê dịch ra cáng mà phải hỗ trợ họ hết sức nhẹ nhàng. Mục đích của công tác sơ cứu là đặt nạn nhân vào một tấm ván cứng và giữ nguyên như vậy cho đến khi chụp X.quang, lôi kéo di chuyển họ một cách vụng về sẽ gây liệt vĩnh viễn.
Buộc hai chân cả giầy vào với nhau và cố định vào tấm ván cứng. Sau đó đặt họ vào cái cáng kiểu Neil-Robertson. Nếu không có cáng kiểu Neil-Robertson vẫn sử dụng tấm ván đó đặt lên cáng bạt. Không bao giờ được dùng một cáng bạt để chuyển nạn nhân, nếu dùng cáng bạt phải có một ván cứng đặt trên bạt, hoặc có các thanh gỗ để ngang suốt cả chiều dài của cáng bạt.
Gãy cột sống cổ: Có thể xảy ra do nạn nhân đứng lên đột ngột và đập mạnh đầu vào một vật cứng quá mạnh, còn có thể do có vật gì rơi vào đầu, ngã rơi từ cao xuống cũng có thể làm gãy cột sống cổ. Cách xử trí cũng giống như xử trí gãy cột sống vì cột sống cổ là đoạn trên của cột sống. Nạn nhân phải nằm thẳng và giữ nguyên như vậy, trước mắt lấy một xếp báo gấp lại bề ngang khoảng 10cm, đặt đoạn giữa của cuộn báo vào dưới cằm, hai đầu gấp lại sau rồi lấy một băng vải buộc lại.
Chấn thương ở đầu: Chấn thương ở đầu thường xảy ra do một vật gì va đập vào hoặc ngã, thường là ngã cao. Phần lớn các trường hợp chấn thương nặng ở đầu có thể tránh được tử vong do việc giữ gìn được đường thở thông suốt, chết không nhất thiết liên quan đến tổn thương não. Vì vậy ngoài việc băng bó vết thương ở đầu phải đặc biệt lưu ý giữ cho việc thở dễ dàng và đề phòng không để tắc đường thở, chỉ có như vậy thì não mới có đủ oxy và có hy vọng giữ cho nạn nhân sống được tới khi chuyển được nạn nhân cho một bệnh viện. Trường hợp có tổn thương hay là có ngoại vật hoặc một gãy xương gây thành một vết thương hở, phải tiến hành cầm máu bằng một cuộn đệm tròn (ring-pap) ép ngay lên vết thương, để một miếng gạc tẩm paraffin lên trên vết thương. Sau đó đặt một đệm tròn lên và giữ cái đệm này tại chỗ bằng một băng chặt, cái đệm này sẽ đè lên các mạch máu ở da đầu chứ không đè lên ngoại vật hay chỗ gãy xương. Có thể làm một cái đệm tròn như sau: Lấy một cuốn băng khổ hẹp cuộn chung quanh các ngón của bàn tay hai vòng sau đó dùng phần còn lại của cuốn băng cuốn quanh vòng đó làm thành một cái đệm như chiếc bánh vừng vòng hay cái nùn rơm.