Nguyên nhân nào dẫn tới thanh thiếu niên nhiễm HIV tăng lên?
Hiện nay, hình thái lây truyền HIV có sự chuyển dịch từ tiêm chích ma túy, lây từ mẹ sang con... sang lây nhiễm qua đường tình dục ở nam quan hệ tình dục đồng giới. Đặc biệt, số ca nhiễm HIV đang ngày càng trẻ hóa. Nhiều học sinh, sinh viên phát hiện bệnh khi còn quá trẻ.
Tình trạng nhiễm HIV đang trẻ hóa diễn ra trên toàn cầu
Theo số liệu thống kê, trên toàn thế giới có tới 40% ca nhiễm mới là ở những người trẻ tuổi từ 15-25 tuổi và mỗi ngày có khoảng 5.000 thanh niên trên thế giới nhiễm HIV, tương đương với gần 2 triệu ca mắc mới mỗi năm.
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, năm 2021, có 260 nghìn người nhiễm mới HIV, trong đó có khoảng 14 nghìn là trẻ em dưới 15 tuổi, 128 ngàn người tử vong do AIDS. Đối tượng mới được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) (chiếm 53%).
Tại Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2022, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong 1.378 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (48,6%) và 30 - 39 (28,4%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,6%).
Vì sao tình trạng nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, tập trung vào thanh thiếu niên?
Theo TS. Đặng Vũ Cảnh Linh - Viện trưởng Viện nghiên cứu thanh niên - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, tỷ lệ thanh thiếu niên nhiễm HIV tăng lên có nguyên nhân cơ bản gắn liền với lối sống của thế hệ trẻ, suy nghĩ phóng khoáng, tự do trong quan hệ nam nữ.
Đặc biệt, nhóm đồng giới có nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao do quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng bao cao su, quan hệ tình dục qua đường hậu môn, có nhiều bạn tình, sử dụng chất khi quan hệ tình dục... Tuy nhiên, đối tượng này rất khó quản lý, tiếp cận để tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống HIV.
Bên cạnh đó, giá trị chuẩn mực thay đổi, các bạn trẻ có có nhiều suy nghĩ mới, lối sống mới, quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn. Trong khi đó, một trong những con đường lây truyền HIV là tình dục không an toàn.
Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021 cho thấy, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về HIV/ AIDS trong độ tuổi 15-24 tuổi chỉ dưới 50%. Điều này cho thấy, nếu các bạn trẻ coi nhẹ quan điểm về tình dục, có xu hướng dễ dãi hơn nhưng lại thiếu kiến thức cơ bản, thậm chí ở nhóm có nguy cơ cao hơn như sử dụng chất kích thích thì càng làm gia tăng tình trạng HIV trong thanh thiếu niên.
TS. Đặng Vũ Cảnh Linh cũng cho biết, nếu không có biện pháp trang bị kiến thức đầy đủ cho nhóm đối tượng thanh thiếu niên để giảm hành vi nguy cơ thì số người nhiễm mới sẽ tiếp tục tăng lên.
Quan hệ tình dục đồng giới trong nhóm thanh thiếu niên làm gia tăng nguy cơ nhiễm HIV.
Nhiễm HIV đang trẻ hóa gây ra hậu quả gì?
TS.BS. Nguyễn Thu Giang cho biết, hiện nay có tới 70% người mắc HIV nằm trong độ tuổi từ 16-39 tuổi. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy đối với kinh tế, xã hội vì giới trẻ là lực lượng lao động chính của xã hội.
Không chỉ vậy, tình trạng này còn ảnh hưởng tới chất lượng dân số, sức khỏe nòi giống của quốc gia vì đây là độ tuổi kết hôn, sinh con chủ yếu. Tiếp theo nữa là gánh nặng cho nền y tế để bảo đảm xét nghiệm, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ… Đặc biệt là trong bối cảnh rất nhiều dịch bệnh như hiện nay.
Nhìn rộng hơn, tỷ lệ nhiễm HIV trong thanh thiên ngày càng cao sẽ ảnh hưởng cả đến an ninh chính trị và văn hóa.
Gia tăng tình trạng thanh thiếu niên nhiễm HIV gây nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Biện pháp ngăn chặn tình trạng này là gì?
Theo TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, công tác phòng, chống HIV trong mỗi giai đoạn khác nhau, tập trung vào những đối tượng khác nhau. Với trẻ vị thành niên, đang trong quá trình trưởng thành cần những kỹ năng, biện pháp để tự bảo vệ bản thân trước những hành vi nguy cơ. Nếu không được giáo dục, tuyên truyền thường xuyên thì sẽ khiến tình trạng nhiễm HIV trong nhóm đối tượng này ngày càng tăng.
Hiện nay, việc tuyên truyền phòng, chống HIV cho thanh thiếu niên ở trường học giữ vai trò quan trọng nhất vì học sinh, sinh viên khi đi học dành phần lớn thời gian ở trường học. Đây là môi trường trang bị cho họ kiến thức, kỹ năng sống cần thiết để bảo vệ và phát triển bản thân, trong đó có các biện pháp phòng chống HIV.
Tuy nhiên, việc thực hiện tuyên truyền phòng, chống HIV đồng bộ tại các trường học gặp khó khăn do chính nhà trường, thầy cô, học sinh, sinh viên cho rằng kiến thức phòng chống HIV rất đơn giản, chỉ cần phòng chống các đường lây nhiễm HIV. Nhưng thực ra, việc phòng, chống HIV còn cần thực hiện các hành vi giảm nguy cơ, phát hiện sớm...
Do đó, nhà trường nên thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình để truyền thông về HIV một sách sâu rộng và toàn diện, giúp các bạn trẻ hiểu một cách đầy đủ, chính xác về HIV và đại dịch AIDS ở nước ta cũng như trên thế giới.
https://suckhoedoisong.vn/